Mới đây, những hình ảnh được cho là tiền điện tử của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã được tờ SCMP đăng tải. Nguồn tin thân cận của tờ báo này cũng xác nhận hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang thử nghiệm đồng tiền này trong nhiều tháng qua.
Bức ảnh cho thấy ứng dụng tiền điện tử của Trung Quốc có một số chức năng cơ bản tương tự các nền tảng thanh toán trực tuyến khác như Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, cho phép người dùng thanh toán, nhận cũng như chuyển tiền. Chức năng "touch and touch" cho phép 2 người dùng chạm điện thoại của họ vào nhau để thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Nếu đây là sự thật, Trung Quốc sẽ là cường quốc đầu tiên trên thế giới có ngân hàng trung ương chính thức phát hành tiền điện tử nhằm kiểm soát nền kinh tế cũng như thị trường tiền ảo đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, nỗi lo lây lan dịch Covid-19 qua tiền mặt và các lệnh cách ly cũng thúc đẩy PBOC xem xét phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến bao gồm tiền điện tử.
Việc phát hành tiền điện tử sẽ khiến Trung Quốc hạn chế các loại tiền số khác. Ngoài ra trái với những dạng tiền ảo như Bitcoin, tiền điện tử của PBOC nếu được phát hành sẽ ổn định hơn do neo vào đồng Nhân dân tệ.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia vẫn đặt nghi vấn về ảnh hưởng của tiền điện tử với các ngân hàng thương mại, các công ty có dịch vụ thanh toán trực tuyến như Ant Financial của Alibaba hay Tencent Holdings.
1. Kế hoạch phát hành tiền
Hiện chưa có một thông tin cụ thể nào về việc phát hành tiền số nhưng theo hãng tin Bloomberg cùng các tuyên bố của những quan chức PBOC, cá nhân và doanh nghiệp có thể tải một ví điện tử về smartphone của họ sau đó tùy ý sử dụng tiền điện tử tương ứng số tiền có trong ngân hàng thương mại. Họ có thể sử dụng tiền điện tử này với bất kỳ ai có ví điện tử.
2. Môi trường thanh toán trực tuyến
Trung Quốc đang là một trong những nước đi tiên phong về thanh toán trực tuyến, hay một xã hội không tiền mặt. Thậm chí những quán ăn nhỏ ven đường tại các thị trấn miền quê cũng ưa thích sử dụng ứng dụng thanh toán trực tuyến hơn tiền mặt.
Trong quý I/2019, các ứng dụng thanh toán trực tuyến của Trung Quốc đã giao dịch 59 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 8,3 nghìn tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 50% trong số đó thuộc về Ant Financial của Alibaba, 1/3 thuộc về Wechat của Tencent.
Trong khi đó, số liệu của PBOC cho thấy tổng giao dịch không tiền mặt năm 2018 của nước này đạt tới 3,8 triệu tỷ (Quadrillion) Nhân dân tệ.
Có thể nói xu thế xã hội không tiền mặt tại Trung Quốc là điều đang diễn ra phổ biến tại các nền kinh tế phát triển. Tại các nước phát triển như Thụy Điển, khảo sát của ngân hàng trung ương cho thấy chỉ có 13% số người dân thanh toán bằng tiền mặt, thấp hơn mức 39% của năm 2010.
3. Tại sao PBOC làm vậy?
Đầu tiên, Trung Quốc muốn thúc đẩy một xã hội không tiền mặt để có thể dễ dàng tra soát hoạt động rửa tiền cũng như các hành vi phạm pháp khác.
Tiếp đó, động thái phát hành tiền điện tử sớm có thể giúp Trung Quốc đối phó với khả năng bị áp đặt các tiêu chuẩn được thiết kế bởi bên khác nếu sử dụng những đồng tiền ảo như Bitcoin.
Ngoài ra, việc một số công ty như Facebook phát hành các loại tiền ảo như Libra đang thúc đẩy sức mạnh của đồng USD cùng như suy giảm khả năng kiểm soát hệ thống tài chính của Trung Quốc. Bởi vậy một đồng tiền điện tử chính thức do PBOC phát hành là điều hợp lý.
4. Có phải tiền ảo?
Theo Bloomberg, tiền điện tử do PBOC phát hành không phải tiền ảo. Thông thường những loại tiền ảo như Bitcoin không có sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào, hệ thống Blockchain sẽ xác nhận và tính toán các giao dịch. Hoạt động giao dịch tiền ảo thậm chí chẳng cần những bên trung gian như các ngân hàng trung ương để xác nhận.
Bởi vậy, tiền ảo thường biến động lớn về giá trị và chẳng mấy thích hợp trong các giao dịch hàng ngày. Thay vào đó, chúng được các băng đảng ưa thích sử dụng như hoạt động rửa tiền hoặc đầu cơ.
Đối với đồng Libra của Facebook, chúng cũng được coi là tiền ảo nhưng ổn định hơn do neo vào những đồng tiền mạnh như USD, Euro, Yên... dù vẫn được xử lý bằng Blockchain và không qua ngân hàng trung ương nào.
Hiện tại, PBOC vẫn chưa xác định đồng tiền điện tử mới có sử dụng Blockchain để xử lý giao dịch hay không.
5. Tại sao không dùng tiền ảo hiện có?
Trung Quốc đã cấm tiền ảo cũng như việc gọi vốn bằng tiền ảo từ năm 2017 nhằm giữ ổn định cho hệ thống tài chính và đối phó với nạn tín dụng đen. Mặc dù tiền ảo vẫn được lén lút giao dịch ở Trung Quốc nhưng chúng bị kiểm soát chặt hơn.
Thêm nữa, tiền ảo hiện có trên thị trường Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển ra nước ngoài mà không được kiểm soát, tạo nên sự mất ổn định và phá giá đồng Nhân dân tệ.
6. Blockchain
Trung Quốc vẫn đang cân nhắc việc có nên sử dụng Blockchain để quản lý giao dịch tiền điện tử hay không bởi nhiều chuyên gia lo lắng công nghệ này không đủ an toàn để xử lý khối lượng giao dịch trực tuyến vô cùng lớn tại đây.
Vào ngày lễ độc thân năm 2018, giao dịch trực tuyến tại Trung Quốc đạt đỉnh 92.771 hóa đơn thanh toán online mỗi giây, cao hơn rất nhiều so với khả năng xử lý của hệ thống Blockchain của Bitcoin.
7. Tính bảo mật
PBOC cho biết họ sẽ cân bằng giữa việc bảo vệ danh tính người dùng với nỗ lực đối phó các tội phạm về tài chính trong tiền điện tử. Hiện mọi người vẫn chưa rõ điều này có ý nghĩa gì nhưng PBOC nói rằng họ sẽ không tiết lộ hoàn toàn thông tin người sử dụng tiền điện tử với các ngân hàng.
Dẫu vậy, danh tính cá nhân sẽ bị gắn chặt với ví điện tử, qua đó giúp các cơ quan chức năng tra soát khi cần thiết.
8. Khi nào phát hành?
Theo Bloomberg, PBOC sẽ sớm phát hành tiền điện tử rộng rãi ra thị trường. Trên thực tế từ năm 2014, PBOC đã nghiên cứu kế hoạch tiền điện tử và tuyển dụng nhiều chuyên gia trong ngành để phát triển đề án này.
9. Người dân có sử dụng?
Rất khó để nói trước rằng liệu người Trung Quốc có sử dụng đồng tiền điện tử do PBOC phát hành hay không. Theo lý thuyết, ví điện tử để sử dụng đồng tiền điện tử của PBOC cũng chẳng khác gì các ví điện tử của Alipay hay Wechat. Trong khi đó, các ví điện tử hiện có của các công ty tư nhân còn bao gồm nhiều ứng dụng thú vị như mạng xã hội, thương mại dịch thuật điện tử, gọi xe taxi, đầu tư, vay tiền...
Chuyên gia Da Fonghei của Neo cho biết ông không thấy có bất cứ nguyên nhân gì để người dân chuyển từ ứng dụng thanh toán như Alipay sang ví điện tử của PBOC, trừ phi chính phủ bắt buộc.
10. Ngân hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Tiền điện tử chủ yếu sẽ chỉ ảnh hưởng đến thủ tục làm sổ sách của ngân hàng mà không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh. Tiền điện tử sẽ không được tính vào trong rổ tiền tiết kiệm tại ngân hàng bởi chúng thực chất là tiền đang được lưu thông chứ không phải tiền mà ngân hàng có thể sử dụng để cho vay.
Các ngân hàng thương mại cũng phải đặt cọc 100% lượng tiền dự trữ bắt buộc tại ngân hàng trung ương để sử dụng tiền điện tử của PBOC.
Ngoài ra, việc phát hành tiền điện tử sẽ khiến PBOC phải tăng cường công tác xử lý dữ liệu cũng như trả lời các thắc mắc do người dân mới sử dụng.
11. Ảnh hưởng kinh tế
Theo Bloomberg, ảnh hưởng của tiền điện tử đến nền kinh tế sẽ không diễn ra ngay. Mục đích chính của PBOC là thay thế tiền mặt bằng tiền điện tử nên chúng sẽ không ảnh hưởng đến lượng cung tiền cũng như nhiều chính sách tiền tệ khác.
Báo cáo của PBOC năm 2018 cho thấy nếu tiền điện tử được chấp nhận rộng rãi nhưng vì lý do khủng hoảng, người dân tiết kiệm tiền mặt nhiều hơn mà không gửi ngân hàng thì tình hình vẫn có thể kiểm soát được. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng tiền điện tử như một kênh phi truyền thống để điều tiết thị trường.
Ví dụ, chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu các ngân hàng xác định thông tin chi tiết về lãi suất, mục đích, đối tượng cho các khoản tín dụng bằng tiền điện tử, qua đó kiểm soát và điều tiết tốt hơn các chính sách.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc phát hành tiền điện tử sẽ giúp Trung Quốc có thêm các lựa chọn về chính sách tiền tệ. Ví dụ họ có thể áp dụng lãi suất âm dễ dàng hơn khi người dân không gửi tiền trong ngân hàng theo cách truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét